Sang Nhật hay ở lại Việt Nam ?

Ngày Đăng :2020-11-30
Tâm sựĐời sống gia đình

Doan tu gia dinh

Hiện nay, ngày càng có nhiều bạn sống và làm việc tại Nhật muốn đưa vợ con, gia đình sang định cư lâu dài. Khi các anh chồng mong muốn tương lai ổn định cho gia đình thì chị em chúng ta lại phải đắn đo suy nghĩ, lựa chọn đi hay ở rất nhức đầu phải không nào? Dưới đây mình ghi lại 1 số quan điểm cá nhân cho chị em cùng tham khảo về vấn đề rắc rối này nhé.

Theo mình, đi hay ở có 4 vấn đề chính cần xem xét:

-Mục tiêu dài hạn

-Kinh tế

-Hoàn cảnh của bạn ở Việt Nam

-Vấn đề con cái

1. Mục tiêu dài hạn: không bàn đến các bạn ở VN công việc chưa hẳn tốt, muốn sang đây làm baito, cùng chồng cày 1 thời gian rồi về lại VN. Đối với các bạn đã có công việc ổn định, thu nhập khá chắc hẳn đều phân vân có nên bỏ tất cả để theo chồng? Một trong những vấn đề mình luôn khuyên đầu tiên đó là mục tiêu lâu dài của 2 bạn. Nếu xác định ở Nhật định cư lâu dài, việc sang cùng chồng/vợ là hợp lý. Nhưng nếu có ý định làm vài năm lại về VN định cư thì đương nhiên là cần xem xét kĩ lại. Mỗi năm sang du lịch thăm chồng hoặc chồng về thăm gia đình có khi là lựa chọn thích hợp hơn. Cái này 2 vợ chồng cần thảo luận, bàn bạc kĩ để đi đến thống nhất nhé.

2. Kinh tế: thứ quan trọng nữa là tình hình tài chính của 2 bạn, chồng thu nhập bao nhiêu, tiền tiết kiệm như thế nào? Vì để ổn đinh cuộc sống thì ban đầu thu nhập sẽ bấp bênh mà chi tiêu lại nhiều. Vợ/chồng sang khi chưa có công việc thì người còn lại chồng/vợ có thể đảm bảo lo toan, gánh vác được ít nhất 3 tháng đầu hay không? Khi sang đây mà kinh tế bấp bênh, đồng tiền chi phối thì cũng có thể ảnh hưởng tới tình cảm vợ chồng nữa đó.

chi phi sinh hoat o nhat

Mà nói đến thu nhập bao nhiêu là đủ nuôi vợ con thì còn tuỳ vào địa phương sinh sống, thói quen chi tiêu của mỗi gia đình. Tiền nong khó tính toán nhất là với những bạn lơ tơ mơ về cuộc sống ở Nhật, nhưng các bạn có thể nhẩm sơ sơ chi phí sinh hoạt như sau (trong ngoặc là ví dụ cho khu vực tokyo và vùng phụ cận theo mình ước lượng cho 2 vợ chồng):

  • Tiền thuê nhà (5-10 man)
  • Tiền gas, điện, nước, internet (1-2 man)
  • Tiền ăn uống (3-7 man)
  • Tiền đi lại (1-2 man)
  • Chi phí cho con cái (nếu có)

Đây là những cái cơ bản phải chi, bạn hãy so sánh với thu nhập về tay của chồng/vợ để tính toán. Ngoài ra, sau này các bạn cũng có thể đi làm chính thức hoặc làm thêm tuỳ vào năng lực, nhưng tìm việc ở Nhật không hề dễ dàng đâu nhé.

Như vậy có thể thấy chi phí cho 2 vợ chồng đại khái khoảng từ 10-20 man, mình nói là rất chung chung để các bạn hình dung thôi. Còn cụ thể thì phải tham khảo chồng/vợ bạn đang ở Nhật nha.

3. Hoàn cảnh của bạn ở Việt Nam: nếu bạn chán công việc hiện tại, bạn muốn gần chồng, bạn muốn thay đổi môi trường sống, chắc bạn sẽ không phân vân mấy đâu nhỉ!. Còn nếu không, hãy tính toán xem mình sẽ phải hy sinh những gì: 1 công việc ổn định, xa gia đình, bạn bè, sang 1 môi trường hoàn toàn mới mà thậm chí bạn còn không thể giao tiếp, làm những việc thông thường như đi ăn uống, mua sắm, bắt đầu học tập mà cụ thể là học tiếng, một thứ tiếng khó nhằn như tiếng Nhật, có thể phải chấp nhận công việc lao động chân tay vất vả, bạn sẽ phải phụ thuộc vào chồng nhiều hơn, xa hơn là những khó khăn khi mang thai, sinh con, cho con đi học,...

cuoc song o viet nam

4. Vấn đề con cái

Đây cũng là 1 trọng điểm khi xem xét việc nên đi hay ở. Nếu là chưa có con thì vấn đề đơn giản hơn 1 chút rồi. Nhưng nếu đã có con thì mình tin chắc nhiều bạn sẽ lo lắng, phân vân về thời điểm đưa con sang, dạy dỗ con như thế nào cũng như vấn đề hoà nhập của con với môi trường xung quanh. Trường học ở Nhật có rất nhiều hoạt động và vấn đề cần liên lạc với phụ huynh, các bé đi nhà trẻ, mẫu giáo còn phải viết sổ liên lạc thường xuyên,...Nên nếu người mẹ giao tiếp tiếng Nhật quá kém thì cũng là dễ gây stress lắm nhé, lại có thể ảnh hưởng đến vấn đề học hành của con cái. Tuy nhiên nếu có chồng/vợ tiếng Nhật khá hỗ trợ thì việc đi học của con sẽ nhanh chóng ổn định hơn.

Ngoài ra vấn đề bắt nạt học đường (いじめ)là vấn đề xảy ra ngay với cả học sinh người Nhật chứ không nói là người nước ngoài dễ bị phân biệt đối xử. Nhưng đây cũng là những trường hợp cá biệt thôi, nếu phụ huynh và thầy cô quan tâm đúng đắn, đặc biệt là gia đình phải trò chuyện, chia sẻ nhiều với con thì mình nghĩ con sẽ nhanh chóng hoà nhập với môi trường mới thôi. Trẻ em được cái là học tiếng rất nhanh và khi tiếng khá lên rồi thì sẽ dễ hoà nhập với học sinh bản địa. Thời gian đầu thầy cô sẽ kèm cặp riêng và các bạn cũng có thể cho con đi học thêm ở Kumon nữa.

kodomo ijime

※Sang Nhật bản có gì: vợ chồng đoàn tụ, gần gũi nhau. Môi trường trong lành, văn minh, tiến bộ, tương lai con cái,... Nếu chỉ cần xác định vì những điều trên mà có thể cố gắng, nỗ lực thì bạn hẳn đã có câu trả lời cho sự đắn đo của mình. Hãy "cam kết" và chuẩn bị kỹ lưỡng cho những thứ "nếu như".

※Sang Nhật bản sẽ phải hy sinh những gì, điều này chỉ có chính bản thân mỗi người mới có thể trả lời chính xác được. Các bạn có thể liệt kê ra giấy để thấy rõ ràng hơn vấn đề mình đang phân vân, lo lắng, từ đó đưa ra được quyết định đúng đắn. Hoặc bạn có thể inbox facebook cho mình để tâm sự, mình sẽ chia sẻ từ những kinh nghiệm mà mình có được qua thời gian sống lâu dài ở Nhật nhé.

※2 lời khuyên nếu bạn quyết định sang nhật đoàn tụ gia đình:

Cuối cùng, dù là vấn đề "ai cũng biết nhưng không phải ai cũng làm được" nhưng mình vẫn muốn nhấn mạnh đối với các bạn có quyết định sẽ sang Nhật đoàn tụ với chồng/vợ như sau:

♦ Nếu đã xác định sang thì thứ cần chuẩn bị đầu tiên và đầu tư nhiều nhất là học tiếng Nhật. Học càng nhiều càng tốt và có điều kiện học ở trung tâm dạy tiếng cho bài bản thì là tốt nhất. Nếu bạn cảm thấy quá "khoai", quá "khó nuốt" thì hãy chuyển sang học từ những thứ mà mình quan tâm, yêu thích, ví dụ như ăn uống, du lịch, mỹ phẩm, nghe nhạc-xem phim Nhật có phụ đề cho quen tai,...Dù bạn có giỏi tiếng anh thì cũng cố gắng "lận lưng" ít nhiều vốn tiếng Nhật nhé.

♦ Chuẩn bị tâm lý cho cả những đường lùi vì không bắt buộc bạn ở đâu sẽ phải ở đó suốt đời. Bạn và người bạn đời hoàn toàn có thể thay đổi môi trường sống tuỳ vào giai đoạn, hoàn cảnh, mong muốn của bản thân, con cái...

lam-quen-voi-cuoc-song-nhat-ban

Sau cùng, tips mà mình luôn áp dụng khi gặp vấn đề phân vân đó là viết tất cả những băn khoăn ra giấy, chia cột bên lợi bên hại ra, khi đó bạn sẽ nhìn rõ vấn đề hơn và tiện so sánh để đưa ra quyết định cuối cùng. Chúc các bạn đang lưỡng lự giữa 2 ngả đường sẽ có sự lựa chọn hợp lý nhất nha.

※ Xin vui lòng không copy nội dung bài nếu chưa được cho phép.