妊娠後期と出産の兆候(ちょうこう)
1. Mang thai tháng cuối
♥ 臨月 và 正期産
♦ Khi thai nhi bước sang tuần thứ 36 thì bà bầu đã bước sang tháng thứ 10 - tháng cuối cùng của thai kì (臨月に入る)。Nếu bé nào mà chưa chịu quay đầu thì bác sĩ sẽ nhắc mẹ chuẩn bị tinh thần cho việc sinh mổ (帝王切開). Dĩ nhiên sau đó nếu bé quay đầu thì vẫn có thể sinh thường nhưng thời điểm này trở đi không gian cho bé hoạt động trong tử cung đã nhỏ hẹp hơn và việc tỉ lệ quay đầu sẽ thấp đi rất nhiều.
♦ Kỳ sinh nở (正期産) tiêu chuẩn được tính từ 37 tuần 0 ngày đến 41 tuần 6 ngày, tức là bé sinh ra trong khoảng thời gian này đều được tính là "đủ tháng đủ ngày" nhé. Cùng với đó cân nặng tiêu chuẩn cho bé là từ 2500gr trở lên, nếu bé nhẹ cân hơn thì nhiều khả năng sẽ phải nằm lồng ấp thêm.
♦ Khi đi khám tuỳ bệnh viện sẽ có làm NTS (Non stress test) để kiểm tra tim thai và cử động của thai nhi xem có gì bất thường hay không nè. Nếu bệnh viện không làm test này và khi siêu âm bác sĩ cũng không cho nghe tim thai thì bạn có thể yêu cầu nha (赤ちゃんの心臓の音をききたいです). Trên thị trường có bán rất nhiều loại máy nghe tim thai bạn nào quan tâm có thể tìm hiểu 心音計 nhé. Riêng mình cảm thấy không cần thiết vì đi khám bác sĩ cũng hay cho nghe rồi. Về cử động của thai nhi (胎動) thì các mẹ cần lưu ý nếu cảm thấy bé không đạp thì hãy nằm xuống an tĩnh trong 1 tiếng xem thai nhi có cử động gì hay không, nếu vẫn không cảm nhận được thì hãy gọi điện đến bệnh viện và đi khám luôn nha. Còn nếu bé đạp nhiều thì cứ "tận hưởng" đi hihi. Ngoài ra khi đi khám định kì (từ tuần 36 là mỗi tuần 1 lần) thì các mẹ có thể hỏi thêm về kích thước đầu thai nhi (頭は何センチ?), độ dài tử cung (出口の長さ), tử cung đã mở hay chưa (子宮が開いてるかどうか?),...
♥ Những triệu chứng, hiện tượng thường gặp phải
♦ Bụng thường xuyên căng, trướng hơn お腹が頻繁に張るようになる
Tháng cuối mang thai tử cung sẽ bắt đầu co bóp để "diễn tập" cho ngày sinh, nên các mẹ sẽ thường xuyên thấy bụng căng ra, có khi cứng ngắc như quả bóng bị bơm quá đà, muốn "vỡ chum" tới nơi luôn đó. Những lúc như vậy các mẹ nên nghỉ ngơi, thư giãn bằng cách nằm hay ngồi xuống nha. Mình bầu tháng cuối, bụng hay căng trướng rồi thì bé con đạp nhiều và mạnh nên cảm thấy mệt mỏi, uể oải lắm luôn.
♦ Trở nên thèm ăn 急に食欲が出る
1~2 tháng cuối không biết các mẹ bầu khác thế nào chứ mình thèm ăn vô tội vạ luôn. Nhìn gì cũng muốn ăn và tăng cân nhanh hẳn lên. Nhất là khi thai nhi bắt đầu di chuyển xuống dưới, dạ dày được "giải thoát" khỏi sự chèn ép, các hiện tượng trào ngược cũng bớt đi nhiều thì mẹ bầu càng dễ thèm ăn, ăn khoẻ hơn nữa đó. Dù là các tháng trước đó mình tăng cân rất "đúng tiêu chuẩn", "phong độ tốt" thì sang tháng cuối cũng ngấp nghé ngưỡng "toang", phải kiềm chế lượng ăn kết hợp với đi bộ thêm nè hixhix T.T Các mẹ nhớ lưu ý cân nặng nha.
♦ Đau lưng hơn 腰痛の症状が出る
Tháng cuối bụng to và nặng khiến việc đi lại đã vất vả rồi mà nằm ngủ, trở mình cũng khó khăn không kém. Không chỉ đau lưng mà cảm giác như là đau mình mẩy khắp người luôn. Mẹ nào siêng năng cố gắng tập yoga sẽ đỡ hơn đó.
♦ Đau vùng xương chậu, dưới háng 股関節(恥骨の辺り)が痛い
Các khớp vùng xương chậu, háng cũng sẽ có thay đổi để chuẩn bị cho việc sinh nở, cộng với việc thai nhi di chuyển xuống dưới sẽ làm các mẹ bầu thấy đau mỏi, thỉnh thoảng còn đau nhói lên ở cửa mình. Những lúc này cũng cần ưu tiên cho việc nghỉ ngơi, an tĩnh nhé.
♦ Dần dần thấy thai nhi cử động ít hơn 胎動を感じづらくなる
Khi thai nhi di chuyển xuống dưới về phía khung xương chậu thì bé sẽ khó cử động tự do hơn trước. Những tuần cuối, khi bụng sụt xuống và bé đạp ít hơn có thể là dấu hiệu sắp đến ngày vượt cạn rồi. Tuy nhiên các mẹ vẫn cần lưu ý, sử dụng app để theo dõi số lần cử động của bé nha. Nếu không thấy động tĩnh gì trong 1 thời gian thì hãy làm như mình đã viết ở trên. Riêng mình sang tuần 38 bé nhà mình vẫn đạp bụng mẹ "kinh khủng khiếp" luôn, không thấy giảm gì, đạp vừa đau vừa nhiều đến nỗi mình phải lên mạng đọc xem có gì bất thường không và nhận ra rằng vẫn có bé hiếu động đạp mẹ tới lúc sinh luôn đó. Bởi mới nói tuỳ mỗi mẹ, mỗi bé mà các hiện tượng khác nhau lắm. Mẹ chỉ cần nắm đâu là hiện tượng bất thường mà lưu ý là được, còn lại không cần quá lo lắng nha.
Ngoài ra thì các mẹ bầu có thể gặp phải những hiện tượng khác như thường xuyên đi vệ sinh (do bàng quang bị chèn ép), ra nhiều khí hư, dễ bị tiêu chảy hoặc táo bón, buồn nôn, đau bụng chuyển dạ giả (cơn đau co thắt tử cung Braxton Hicks),...
2. Ba dấu hiệu chính cho việc sắp sinh và việc cần làm
Ba dầu hiệu cuối cùng trước khi vượt cạn là ra máu báo, đau bụng chuyển dạ và vỡ ối. Tuy nhiên không phải ai cũng có đầy đủ các dấu hiệu này và thứ tự xuất hiện chúng cũng khác nhau ở mỗi người. Vậy cụ thể các dấu hiệu này ra sao và nên làm gì khi đó? Mình đã tóm tắt lại qua các buổi học 母親学級、ファミリー学級 cũng như tìm hiểu thêm trên mạng như sau:
♥ Máu báo おしるし: máu báo có người ra có người không, có người ra là sắp sinh luôn, có người lại vài ngày sau mới chuyển dạ. Khi thấy dấu hiệu này các mẹ đừng vội lo lắng, hãy gọi đến bệnh viện để được hướng dẫn nên làm gì nhé. Nếu như không có các dấu hiệu khác (vỡ ối, đau chuyển dạ) thì thường sẽ chưa nhập viện ngay đâu. Trường hợp cần lo lắng là khi ra nhiều máu kèm theo đau bụng dữ dội, đây có thể là dấu hiệu bong nhau thai non, cần nhập viện và theo dõi sớm nha.
♥ Các cơn đau bụng chuyển dạ (có quy luật) 陣痛
Thường bác sĩ và y tá hộ sinh sẽ nhắc kĩ về việc cơn đau cách mấy phút mới phải nhập viện, có viện cách 10 phút, có viện cách 5 phút và cũng tuỳ sinh lần đầu hay đã có kinh nghiệm rồi nữa. Lưu ý cần phân biệt cơn đau chuyển dạ thật với các cơn đau giả 前駆陣痛(ぜんくじんつう)đã có thể xuất hiện từ tuần 35,36 rồi. Các cơn đau chuyển dạ giả thì chỉ đau nhẹ và thường không đều đặn. Còn khi các cơn đau trở lên tuần hoàn, lặp đi lặp lại thì hãy gọi đến cho bệnh viện để được hướng dẫn cụ thể nha.
♥ Vỡ ối 破水 là trường hợp cần lưu ý nhất vì bọc ối đóng vai trò quan trọng, bảo vệ thai nhi khỏi các kích thích bên ngoài. Từ tuần 37 trở đi, các mẹ nên để sẵn BVS chuyên dụng お産パッド ở nơi dễ thấy, dễ lấy phòng khi vỡ ối. Có 2 trường hợp vỡ ối mình gọi nôm na là vỡ ối thông thường và rỉ ối.
♦ Vỡ ối thông thường ở phía dưới gần lối ra của tử cung, nước ối chảy ra ào ạt và các mẹ sẽ biết ngay là "tới thời điểm rồi". Lúc này hãy dùng BVS chuyên dụng và liên lạc ngay với bệnh viện để nhập viện. Không nên tắm rửa vì khi vỡ ối thì thai nhi dễ bị nhiễm trùng mà nên nhanh chóng gọi taxi đi viện nhé.
♦ Rỉ ối là trường hợp vỡ ối ở vị trí cao (高位破水), bọc ối bị rách ở một điểm nào đó phía trên tử cung, nếu mẹ không nhận ra sớm có thể dẫn đến sự nguy hiểm cho cả mẹ và con nếu thai nhi bị nhiễm trùng hay cạn ối,...Đây là trường hợp làm mình băn khoăn lo lắng mấy tuần cuối nè vì nước ối không ra ào ạt như suối mà rỉ ra nhỏ giọt dễ làm mình nhầm lẫn với việc "nhót tiểu ra quần" hay ra nhiều khí hư. Theo mình tìm hiểu thì có 2 điểm quan trọng để dễ nhận ra bị rỉ ối, thứ 1 là màu và mùi có nước ối khác với nước tiểu (尿) và khí hư (おりもの), thứ 2 là khi rỉ ối thì quần nhóc sẽ liên lục ẩm ướt vì nước ối rỉ ra róc rách (ちょろちょろ出続ける). Nếu như thấy phía dưới ẩm ướt liên tục, màu trắng hay vàng nhạt và không giống mùi nước tiểu thì dù không chắc chắn, các mẹ cũng nên gọi tới bệnh viện, mô tả lại tình trạng và cẩn thận hơn là tới viện kiểm tra nhen.
Ngoài ra, vỡ ối còn được chia ra tuỳ thời điểm như trước tuần 37 (前期破水) sẽ dễ dẫn đến sinh non; sau tuần 37 nhưng trước khi đau chuyển dạ (早期破水) và sau tuần 37 sau khi các cơn đau chuyển dạ 陣痛 bắt đầu (適時破水). Dù là thời điểm nào thì cũng cần liên hệ với bệnh viện ngay nha.
Kết
Tháng cuối, mẹ bầu nào cũng sẽ hồi hộp nhất là các mẹ "tập đầu" chưa có kinh nghiệm, hơn nữa ở bên Nhật này lại ít người quen, hạn chế về ngôn ngữ càng dễ làm các mẹ lo lắng phải không nè. Tuy nhiên việc tìm hiểu và nắm các thông tin sẽ mang lại sự yên tâm, cùng với đó các mẹ có thể tham khảo thêm các hội nhóm trên facebook hoặc nếu có thể thì hỏi trực tiếp bệnh viện nơi mình thăm khám là tốt nhất. Khi có thắc mắc đừng ngại gọi điện hoặc nhờ chồng gọi điện hỏi nếu chưa đến ngày khám định kỳ nhé. Chúc các mẹ bầu tháng cuối sẽ có 1 kỳ vượt cạn suôn sẻ.
Cuối cùng, hãy inbox cho mình bất cứ khi nào, mình sẵn sàng chia sẻ trong sự hiểu biết và kinh nghiệm của mình (^^). Mẹ nào không rành tiếng Nhật lắm thì hãy note sẵn mấy câu này lại nha:
Đã vỡ ối: 破水した
Bắt đầu đau chuyển dạ. Cơn đau cách 10 phút hay 5 phút: 陣痛が始まった. 10分 / 5分 間隔 (かんかく)
Ra máu, chảy máu 出血した
Bụng rất đau お腹がとても痛い
※ Xin vui lòng không copy nội dung bài nếu chưa được cho phép.